8 cách giữ lại tuổi trẻ dù thanh xuân đã qua
Nội dung bài viết
Thanh xuân rồi cũng sẽ qua nhưng chúng ta hoàn toàn có thể duy trì vóc dáng và thần thái của tuổi trẻ bằng một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học. Hãy cùng khám phá những biện pháp giúp duy trì sức khỏe và tận hưởng cuộc sống nhé.
1. Uống đủ nước mỗi ngày
Chúng ta được khuyên nên uống khoảng 8 cốc nước đầy (1.5 - 2 lít) mỗi ngày. Tuy nhiên bạn cần lắng nghe nhu cầu của cơ thể để quyết định lượng nước mình cần uống thay vì cố uống thật nhiều nước. Nếu bạn thường xuyên vận động hoặc sống trong điều kiện thời tiết nắng nóng thì có thể uống nước nhiều hơn. Việc thiếu nước sẽ khiến cơ thể mau mệt mỏi, đuối sức, suy nghĩ không thông suốt, đau đầu, táo bón… Đây cũng chính là tác nhân thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa của chúng ta.
Càng lớn tuổi hơn, quá trình tiêu hoá thức ăn cũng bắt đầu kém đi. Lúc này, việc uống đủ nước sẽ hỗ trợ cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn để cơ thể hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng nhất có thể.
2. Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh
Cung cấp đủ vitamin
Vitamin nhóm B rất quan trọng trong quá trình vận hành có ý thức của não. Khi cơ thể bắt đầu lão hóa thì việc hấp thụ các loại vitamin này cũng kém đi, do chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa giảm sút đáng kể. Căng thẳng kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng hấp thụ các vitamin nhóm B. Do vậy, đừng quên bổ sung đầy đủ các nhóm vitamin B trong khẩu phần ăn hàng ngày của bạn nhé.
-
Để cung cấp Folate, cần ăn rau, trái cây, các loại đậu, gạo và sản phẩm từ gạo.
-
Để cung cấp vitamin B12, cần ăn thịt cá, trứng sữa, sữa đậu nành và sữa gạo.
-
Để cung cấp vitamin B6, cần ăn các loại đậu, cá, rau củ, nhất là các loại rau lá xanh, đu đủ, cam và dưa lưới.
Ngoài ra, bạn cần cung cấp đầy đủ vitamin C (từ cam, chanh, kiwi…) và E và các chất chống oxy hóa từ rau củ, các loại hạt làm chậm quá trình lão hóa cơ thể.
Kiểm soát lượng tinh bột và đường
Khẩu phần ăn nhiều tinh bột và đường khiến chúng ta căng bụng, đầy bụng, ngủ không ngon giấc và khiến cho quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn. Chỉ nên ăn tinh bột và đường vào buổi sáng, buổi trưa và cắt giảm chúng tối đa cho bữa tối. Nên có khoảng nghỉ vài tiếng giữa các bữa ăn để cơ thể hấp thụ lượng tinh bột và đường đã tiêu thụ. Đừng quên nạp thêm nhiều rau và chất xơ để cân bằng lại lượng đường trong cơ thể.
Giữ hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh
Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh giúp cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch, từ đó phòng chống các tác nhân gây bệnh. Vì thế trong thực đơn hàng ngày, hãy chú ý bổ sung các loại thức ăn mềm, dễ hấp thụ và kích thích tiêu hóa. Nước hầm xương là một trong những món ăn bổ dưỡng và dễ hấp thu với hàm lượng dinh dưỡng cao. Ngoài ra, các loại thực phẩm lên men như dưa chua hay kim chi cũng là “thần dược” cho hệ tiêu hóa của bạn nữa đó
>>> Bài viết có liên quan: Vì sao nói "ruột là não bộ thứ 2 của cơ thể"?
Bổ sung thực phẩm giàu Omega-3
Việc tăng cường axit béo Omega-3 trong khẩu phần ăn giúp các tế bào khỏe mạnh và dẻo dai hơn. Omega-3 không chỉ là thành phần quan trọng cấu thành màng bảo vệ, sản sinh và sửa chữa các màng tế bào trong cơ thể; mà còn nâng cao hoạt động của trí não, điều hòa stress, chống lại các mô gây hại và giảm sưng viêm nữa đấy.
Nguồn thực phẩm giàu Omega-3 có thể kể đến là cá (cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi) và hải sản. Ngoài ra, bạn còn có có thêm sự lựa chọn nguồn cung cấp Omega-3 dồi dào từ các loại hạt như hạt chia, hạnh nhân, hạt lanh.
Đừng né tránh chất béo
Chúng ta thường quá sức kiêng khem chất béo vì sợ mập, vì phải giữ dáng, nhưng lại quên mất rằng chất béo cũng mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể nếu được bổ sung một lượng cân bằng vừa đủ. Chất béo tham gia vào quá trình tổng hợp các hormone có ích, vì vậy bạn cứ mạnh dạn cho trái bơ, cá hồi, hạt, ô liu, trứng vào chế độ ăn hàng ngày của mình.
3. Tập thể dục để tăng cường sức khỏe não bộ
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng: sau tuổi 40, cứ mỗi 10 năm, não của chúng ta sẽ giảm đi khoảng 5% hiệu suất làm việc. Nhưng khi bạn tập thể dục đều đặn thì cơ thể sẽ tiết ra một loại protein gọi là BDNF giúp bảo vệ tế bào thần kinh trí nhớ, nhờ đó làm chậm lại sự suy giảm trí não trong quá trình lão hóa.
Đạp xe, đi bộ, chạy bộ, yoga khoảng 2-5 lần mỗi tuần không chỉ giúp bạn “ăn gian” quá trình lão hóa mà còn ngăn ngừa sự ghé thăm của các chứng bệnh tuổi già như Alzheimer và sa sút trí tuệ.
4. Duy trì tỷ lệ cơ cho cơ thể
Khi bước vào tuổi 50, khoảng 15% tỷ lệ cơ trong cơ thể đã bị thay thế bởi mỡ, đáng buồn hơn là con số này sẽ tăng dần theo thời gian. Tỷ lệ mỡ cao đồng nghĩa với viêc tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể duy trì một tỷ lệ cơ phù hợp bằng cách bổ sung đạm vào thực đơn mỗi ngày bằng các món ăn được chế biến từ các loại hạt, đậu, cá, gà và bơ.
Đừng bao giờ quên bí quyết “bất bại”: chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ hiệu quả hơn nếu đi đôi với một chương trình tập luyện đều đặn. Những môn thể thao như nâng tạ và yoga sẽ giúp cơ thể bạn trở nên săn chắc, khỏe mạnh và dẻo dai hơn.
5. Duy trì các hoạt động rèn luyện trí não
Những hoạt động suy nghĩ của bộ não không chỉ giúp các tế bào thần kinh xây dựng mối liên kết chặt chẽ hơn với nhau, mà còn kích thích sản sinh tế bào mới. Do đó, bạn hãy duy trì các hoạt động rèn luyện trí não, tạo điều kiện cho não bộ hoạt động để kéo dài tuổi trẻ và sự minh mẫn như: đọc sách, tham gia những khóa học ngắn hạn, giải ô chữ, hội họa, viết lách.
6. Bổ sung “vitamin ánh nắng”
Với lối sống công nghệ ngày nay, chúng ta càng ngày càng ít có cơ hội tham gia vào các hoạt động ngoài trời do nhịp sống đổi khác, bận rộn với công việc, muốn dành nhiều thời gian hơn gia đình và những thú vui mới của bản thân. Đồng thời, càng lớn tuổi thì khả năng da hấp thụ vitamin D, còn gọi là “vitamin ánh nắng”, cũng kém hơn, nhưng vitamin D lại rất quan trọng cho hệ miễn dịch, giúp phòng chống ung thư, tốt cho xương và hệ tim mạch. Do vậy, trong lịch trình sống của mình hãy bổ sung những hoạt động ngoài trời vào sáng sớm để cơ thể được tràn ngập vitamin D nhé.
7. Dành thời gian hòa mình với cây cỏ
Thiên nhiên luôn đem lại những điều tuyệt diệu cho trí tuệ và tâm hồn. Những nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chỉ ra rằng môi trường cây xanh có thể giúp chúng ta giảm nhịp mạch đập, giảm áp lực máu, tăng độ nhạy của các giác quan. Vì vậy, để “massage” cho trí tuệ và tâm hồn hãy tìm đến các công viên để tản bộ vài vòng mỗi khi có thời gian, bạn sẽ cảm nhận được những ảnh hưởng thần kỳ của cây cỏ thiên nhiên lên các cảm quan, trí tuệ của mình.
>>> Bài viết cùng chủ đề: Về với thiên nhiên chữa lành tâm hồn!
8. Sống tích cực
Những suy nghĩ bi quan và thái độ sống tiêu cực kích thích cơ thể sản sinh ra thêm nhiều các hormone gây căng thẳng. Do vậy, hãy tập thói quen suy nghĩ đến những điều tươi sáng, nhắc nhở mình phải hướng suy nghĩ đến những điều vui vẻ trong cuộc sống. Đọc sách, học vẽ, học đàn, tập thể thao là những cách luyện tập giúp bản thân có được sự trầm tĩnh, tỉnh táo và bình thản. Khi tinh thần luôn tĩnh và minh mẫn, bạn sẽ dễ dàng vực mình dậy khi vấp ngã, tìm ra cách giải quyết các khó khăn và chặn lối không cho áp lực cuộc sống thâm nhập vào tâm trí mình.