Chăm sóc sức khỏe ban đầu là gì và gồm những nội dung nào?
Chăm sóc sức khỏe mỗi ngày là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Tìm hiểu chăm sóc sức khỏe ban đầu và 10 nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe mỗi ngày tốt hơn.
1. Chăm sóc sức khỏe ban đầu là gì?
Chăm sóc sức khỏe ban đầu là những phương pháp, kỹ thuật thực hành chăm sóc sức khỏe cơ bản và thiết yếu, có cơ sở khoa học, mà mọi người có thể chấp nhận và tham gia với mức chi phí phù hợp mà Nhà nước có thể cung ứng.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu là những chăm sóc cơ bản về sức khỏe, phục vụ được mọi người trong một quốc gia, phù hợp với đặc điểm địa lý, kinh tế từng vùng. Tùy vào từng quốc gia và thời điểm, các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, các nội dung này cũng cần thay đổi để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội ở từng thời điểm, giai đoạn.
2. 10 nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu
Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam gồm 10 nội dung như sau:
- Giáo dục sức khỏe
- Kiểm soát bệnh dịch ở địa phương
- Tiêm chủng mở rộng
- Bảo vệ bà mẹ trẻ em
- Cung cấp thuốc thiết yếu
- Cung cấp lương thực, thực phẩm, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn
- Điều trị và phòng bệnh
- Cung cấp nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường
- Quản lý sức khỏe
- Kiện toàn mạng lưới y tế
2.1 Giáo dục sức khỏe
Mục tiêu của giáo dục sức khỏe là phổ cập những kiến thức y học thường thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe để mọi người dân có thể nhận thức chăm sóc sức khỏe ban đầu là trách nhiệm của mỗi người và cả xã hội.
Nội dung của giáo dục sức khỏe phải đảm bảo những yếu tố sau:
- Phù hợp với tình hình bệnh tật, các chương trình y tế triển khai, ... của từng vùng, từng địa phương.
- Các hoạt động giáo dục sức khỏe phải tôn trọng những nguyên tắc giáo dục và đa dạng, phong phú về hình thức để thu hút mọi người dân tham gia (nhìn, nghe, ...).
- Động viên, thu hút mọi đối tượng, các tổ chức tham gia.
2.2 Kiểm soát dịch bệnh ở địa phương
Nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu tiếp theo là cần kiểm soát tình hình dịch bệnh đang lưu hành, diễn ra ở địa phương, cụ thể:
- Tùy vào mức độ của các dịch bệnh lưu hành như hạch, tả, ... từng bước khống chế và tiến đến thanh toán dịch bệnh.
- Giảm tỷ lệ mắc các bệnh cấp tính như nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp, tiêu chảy, lỵ, ...
- Phòng chống các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, bệnh lây truyền qua đường tình dục, ...
- Các bệnh mãn tính như bướu cổ, động kinh, tâm thần, bệnh lao, phong, ... cần được quản lý và theo dõi.
2.3 Tiêm chủng mở rộng
Mục tiêu của chương trình tiêm chủng mở rộng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân là tất cả trẻ em dưới 1 tuổi phải được tiêm phòng đầy đủ 7 căn bệnh truyền nhiễm bao gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan virus B, sởi. Trẻ dưới 5 tuổi (90%) phải được tiêm nhắc lại các mũi phòng bệnh kể trên.
2.4 Bảo vệ bà mẹ và trẻ em
Bảo vệ bà mẹ và trẻ em là một trong những nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu quan trọng và được quan tâm, đó là giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và tăng cường dinh dưỡng cho bà mẹ, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em.
2.5 Cung cấp thuốc thiết yếu
Các loại thuốc thiết yếu phải được cung cấp đầy đủ từ tuyến xã đến tuyến tỉnh để đảm bảo công tác phòng bệnh và chữa bệnh. Ngoài ra cần giảm nhập thuốc, gia tăng và đẩy mạnh sản xuất thuốc ở trong nước. Để thực hiện nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu này cần phải:
- Dựa vào mô hình sức khỏe và bệnh để lập kế hoạch sử dụng và dự trữ thuốc phù hợp.
- Mở quầy thuốc, huy động, tìm nguồn vốn để quay vòng thuốc.
- Xây dựng và kiểm tra nguồn thuốc ở từng thôn, bản, từng địa phương, y tế tư nhân, đề phòng thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc bị hư hỏng.
- Luôn luôn đảm bảo nguồn thuốc tối thiểu cần thiết cũng như thuốc chủ yếu ở từng cơ sở y tế của địa phương.
- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra sử dụng thuốc một cách an toàn và hợp lý. Quản lý tốt thuốc và các trang thiết bị y tế.
- Tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn kiểm tra, cách chế biến và sử dụng thuốc nam trong cộng đồng.
2.6 Cung cấp lương thực, thực phẩm, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cần phối hợp với các ngành lương thực, thực phẩm để đảm bảo cung cấp lương thực, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn, cụ thể phải đảm bảo đủ chất và đủ lượng phù hợp với từng đối tượng. Với bà mẹ mang thai và trẻ em, cần chú ý tăng cường chất đạm.
2.7 Điều trị và phòng bệnh
- Điều trị tốt các bệnh thường gặp và xử lý tốt những bệnh cấp tính, cấp cứu chuyên khoa.
- Quản lý và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại cộng đồng.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về phòng tránh, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, các bệnh xã hội và gây dịch.
2.8 Cung cấp nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường
Toàn dân được cung cấp nguồn nước sạch để sinh hoạt và dùng trong ăn uống, bên cạnh đó cần đảm bảo xây dựng, sử dụng, xử lý công trình vệ sinh phù hợp. Đó là một trong những nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu được quan tâm, cụ thể:
- Phối hợp với các ngành liên quan thực hiện và đảm bảo vệ sinh công cộng.
- Xây dựng kế hoạch hướng dẫn sử dụng và bảo quản các công trình cung cấp nước và vệ sinh nơi công cộng.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục sử dụng nước sạch, xử lý rác thải đúng quy trình.
2.9 Quản lý sức khỏe
Một trong những nội dung quan trọng được bổ sung vào chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu Việt Nam sau này là quản lý sức khỏe. Đây là biện pháp chăm sóc y tế xã hội chủ động và tích cực, được phối hợp giữa nhiều ngành khác nhau, hướng đến mục tiêu: làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tật, tử vong, tàn phế và nâng cao sức khỏe của người dân. Đối tượng quản lý sức khỏe là tất cả mọi công dân từ lúc sinh cho đến lúc chết.
Quản lý sức khỏe để chăm sóc sức khỏe ban đầu bao gồm các hoạt động sau:
- Kiểm tra và khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh (nếu có).
- Có hồ sơ sức khỏe cá nhân để theo dõi tình trạng sức khỏe, bệnh tật, phương pháp điều trị.
- Tổ chức phổ cập và phổ biến kiến thức y học thường thức về cấp cứu.
- Không bỏ sót bệnh khi người bệnh đến thăm khám tại các cơ sở y tế, khám toàn diện.
- Khám chuyên khoa nhằm tìm kiếm và phát hiện các bệnh như lao, phong, bướu cổ, mắt hột, phụ khoa, ...
- Mạng lưới Hội chữ thập đỏ ở các cơ sở được củng cố.
2.10 Kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở
Kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở được xem là biện pháp quan trọng nhất trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, đảm bảo các nội dung khác được thành công.
Mục tiêu của kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở là ít nhất mỗi xã có 1 trạm y tế, mỗi khu vực phải có phòng khám đa khoa; tất cả cán bộ y tế thuộc biên chế của Nhà nước và đảm bảo đủ lực lượng cán bộ y tế cần thiết.
- Các trạm y tế cơ sở phải thay đổi hoạt động đổi mới theo hướng thực hiện các chương trình y tế.
- Đội ngũ cán bộ y tế tại các cơ sở phải được đào tạo đáp ứng các yêu cầu: Biết chẩn đoán và xác định những vấn đề ưu tiên, xác định nhu cầu y tế cơ sở, có khả năng phân tích những nguyên nhân của vấn đề y tế dựa vào điều tra cộng đồng tại địa phương, có kỹ năng lập, tổ chức, thực hiện kế hoạch, đánh giá kết quả, có kỹ năng thống kê cơ bản.